xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dàn hợp xướng trẻ em VN lưu diễn ở Mỹ

THẢO CHI

Chuyến đi này là kết quả của sự chuẩn bị suốt ba năm qua của dàn Hợp xướng Trẻ em Việt Nam (VCC), kể từ khi thành lập vào năm 2004. Sau chuyến đi này (từ ngày 5 đến 20-7), vào tháng 11-2007, VCC sẽ tham dự Đại hội Hợp xướng châu Á được tổ chức tại Indonesia. Tháng 8-2008, VCC sẽ tham dự Đại hội Hợp xướng Thế giới được tổ chức tại Áo.

Từ ngày 5 đến 20-7, 34 thành viên của VCC do nhạc trưởng Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, dẫn đầu sẽ có chuyến biểu diễn tại miền Tây nước Mỹ. Đây là lần đầu các nghệ sĩ “nhí” tuổi từ 8 đến 16 của VCC có cơ hội giao lưu và thể hiện trên sàn diễn quốc tế.

Dàn hợp xướng trẻ em chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam

Tháng 5-2004, trong dịp sang Hồng Kông, nhạc trưởng Phạm Hồng Hải tình cờ biết được tại đây có một Hiệp hội Hợp xướng trẻ em thế giới với sự tham gia của khoảng 40 nước. Chỉ sau nửa tiếng đồng hồ chuyện trò với vị nhạc trưởng người Hồng Kông, người đã thành lập hiệp hội đó, ông Phạm Hồng Hải đã nung nấu ý định thành lập một dàn hợp xướng cho trẻ em Việt Nam. Về nước, ông đề xuất ngay với giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ý tưởng của mình và bắt tay vào thực hiện luôn. Mỗi khi nhà hát có buổi biểu diễn tại các rạp, ông lại cho in từng tập tờ rơi gửi tới những người đi xem, thông báo tuyển các em nhỏ có năng khiếu và yêu thích múa hát cho dàn hợp xướng. Và ngày 15-7-2004, VCC - dàn hợp xướng trẻ em đầu tiên của Việt Nam - đã chính thức ra đời.

Thực ra, trước VCC, nhiều cung thiếu nhi, nhà văn hóa cũng đã có những dàn đồng ca, hợp xướng. Tuy nhiên, ở những nơi ấy, người ta thường lấy bài hát trẻ em để cho cả dàn hát, còn với VCC, các em được luyện tập một cách chuyên nghiệp bằng những bài hát viết cho hợp xướng trẻ em và phải học cách phối hợp với dàn nhạc thật tốt. Để làm được điều đó, các ca sĩ “nhí” phải luyện thanh nhạc, xướng âm, phát âm tiếng nước ngoài, phong cách biểu diễn... Mỗi tuần hai buổi, các em lại đến nhà hát để tập luyện dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ opera, múa có tên tuổi như Phi Hùng, Thăng Long, Huyền Nga, Kiều Ngân, Hà Dung...

Tạo nguồn diễn viên và khán giả cho tương lai

“Thành lập VCC, chúng tôi đã bắn một mũi tên mà trúng ba đích” - nhạc trưởng Phạm Hồng Hải nói vui như vậy. Đích đầu tiên mà vị nhạc trưởng này cũng như Nhà hát Nhạc Vũ kịch nhắm vào, đó là một lực lượng kế cận trong tương lai. Buổi đầu thành lập, VCC mới chỉ có 30 em tham gia, nhưng đến nay, số thành viên đã tăng gấp chục lần, đến nỗi nhà hát không dám gửi thông báo tuyển đi các nơi nữa, vì sàn tập cũng như lượng diễn viên để kèm cặp cho các em có hạn. Có nhiều em, ban đầu gia đình gửi đến chỉ với mục đích chơi cho biết thôi, nhưng càng học càng mê, càng bộc lộ rõ năng khiếu mình và đã được bố mẹ hướng theo con đường chuyên nghiệp như Nhã Uyên, Hồng Nga, Anh Phương... “Là những diễn viên xuất sắc trong một ngày không xa cả đấy! Điều này hết sức có ý nghĩa khi mà Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đang ngày một bị thiếu hụt “đầu vào” chất lượng như hiện nay” – ông Phạm Hồng Hải cho biết. Mặt khác, chính nghệ sĩ tí hon của VCC này là “nguồn nhân lực” đắc địa phục vụ cho các chương trình của Nhà hát Nhạc Vũ kịch. Trước đây, khi biểu diễn những tác phẩm hợp xướng hoặc vũ kịch viết cho trẻ em, nhà hát chỉ biết cách tìm những diễn viên có vóc dáng nhỏ bé và bắt chước giọng trẻ con, còn giờ thì... “Của nhà trồng được” đấy, chẳng cần phải “giả nai” làm gì. Vậy là trúng cái đích thứ hai.

Nhưng còn cái đích thứ ba, quan trọng không kém, đó là tạo nên một đội ngũ khán giả cho giao hưởng, hợp xướng Việt Nam. Không phải tất cả trong số ba trăm thành viên hiện tại của VCC đều trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng có một điều chắc chắn, đó sẽ là ba trăm khán giả tích cực nhất cho loại hình âm nhạc kén người nghe này. “Nhiệm vụ của mỗi nhà hát giao hưởng trên thế giới không chỉ là biểu diễn mà còn là xây dựng khán giả. Khán giả hôm nay phải được xây dựng từ hôm qua. Muốn những khán giả 20 - 30 tuổi bỏ tiền mua vé đi nghe giao hưởng, hợp xướng thì từ lúc họ còn là đứa trẻ 10 tuổi, mình phải hướng cho người ta biết và yêu loại hình này đã” – nhạc trưởng Phạm Hồng Hải nói. Hiện tại, chính các thành viên tí hon của VCC cũng kéo một lượng khán giả không ít là những người thân của mình đến rạp. Một chương trình giao hưởng, hợp xướng thông thường, chỉ những người thực sự yêu thích loại hình này đi xem, nhưng nếu là một chương trình có các em tham gia biểu diễn, thể nào bố mẹ, ông bà... các em cũng đến xem, và khoảng cách từ “xem cho biết” đến “biết rồi thích” vốn không phải là quá lớn.

“Xét về góc độ nghệ thuật, các nghệ sĩ “nhí” của VCC vẫn chỉ là nghiệp dư. Nhưng các em tiếp thu rất nhanh và có một điều đáng quý là các em hát bằng niềm đam mê thực sự. Diễn viên chuyên nghiệp nhiều khi còn so đo chuyện thù lao cao thấp, sân khấu lớn nhỏ, còn các em, dù với tiết mục nào, sân khấu nào, cũng đều rất hào hứng” - nhạc trưởng Phạm Hồng Hải nhận xét. Chính sự hồn nhiên, hết mình của các em đã tạo nên một màu sắc trẻ trung, tươi mới cho sân khấu cổ điển, hấp dẫn được khán giả.

img
Dàn hợp xướng trẻ em của Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Ảnh: CTV
 

Các hoạt động của đoàn tại Mỹ

VCC sẽ biểu diễn tại các bang ở miền Tây Hoa Kỳ, từ ngày 5 đến 20-7, gồm: Utah, Idaho và California. Vào ngày 9-7, VCC sẽ biểu diễn chung với Đoàn Hợp xướng Trẻ em của TP Idaho Falls tại Nhà hát Colonia với sức chứa 1.500 chỗ. Ngày 10-7, VCC sẽ có buổi biểu diễn nhỏ trong nhà thờ của TP Rigby. Ngày 13-7, biểu diễn tại Nhà Văn hóa Island Park. Ngày 14-7, biểu diễn chung với Đoàn Hợp xướng Trẻ em TP Salt Lake. Đặc biệt, VCC là khách mời danh dự tại buổi biểu diễn của Đại hợp xướng Tabernacle, gồm 350 ca sĩ, tại nhà hát có sức chứa 21.000 người.

Trong chuyến đi, VCC sẽ biểu diễn các bản hợp xướng được chuyển thể từ các khúc dân ca quen thuộc của Việt Nam như Trống cơm, Hoa thơm bướm lượn, Đi cấy, Người ơi người ở đừng về... và một số bài dân ca Mỹ, kết hợp với hòa tấu nhạc cụ dân tộc và múa. Trong chuyến đi, các em sẽ được thu xếp ở chung với các gia đình người Mỹ. Chuyến đi này được sự giúp đỡ, tài trợ của nhạc trưởng Daniel Perkin (Đại học Tổng hợp Plymouth, Mỹ) và vợ chồng bác sĩ John – Marjorie Tall.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo