xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng xem nhẹ sức khỏe tâm thần

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Theo Bộ Y tế, khoảng 15 triệu người ở nước ta mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, chiếm 14,9% dân số

Các rối loạn về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều người còn mơ hồ về bệnh đến khi phát hiện thì đã quá muộn.

Bỗng nhiên mất năng lượng, chán đời

Chị T.H.T (38 tuổi, ở Hà Nội) gia đình khá giả, các con đều chăm ngoan, học giỏi, hằng ngày lái ô tô đi làm cho một cơ quan nhà nước. Có ngoại hình dễ nhìn nhưng dạo này đôi mắt chị bỗng nhiên trũng sâu, xuống sắc. Bạn bè dọ hỏi thì mới biết 3 tháng gần đây chị có biểu hiện bị trầm cảm như mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, mất tập trung, mất hứng thú với mọi việc, kể cả chuyện bếp núc vốn là sở thích của chị. Đến bệnh viện (BV) khám, điều trị dùng thuốc kết hợp liệu pháp tư vấn cộng với sự hỗ trợ của gia đình, tinh thần, cảm xúc của chị T. mới hồi phục lại sau 2 tháng.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần - BV Bạch Mai (Hà Nội), hiện ngày càng có nhiều người đến khám về sức khỏe tâm thần. Chỉ riêng nơi đây mỗi ngày khám 400 - 500 bệnh nhân, chủ yếu bị trầm cảm, lo âu, stress. Nhiều người còn mơ hồ về bệnh, thường bỏ qua những triệu chứng ban đầu. Không ít trường hợp có ý định tự tử hoặc đã hành động dại dột.

Đừng xem nhẹ sức khỏe tâm thần - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám tư vấn cho bệnh nhân điều trị bệnh trầm cảm và rối loạn giấc ngủ

Bác sĩ Đặng Thị Hải Yến, Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết nhu cầu khám sức khỏe tâm thần đang có sự khác nhau ở các vùng miền và trình độ dân trí. Ở những thành phố lớn, sự chủ động trong việc thăm khám sức khỏe tâm thần thường cao hơn, nhất là nhóm người trẻ 20 - 30 tuổi. Thời gian qua, BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ đã chủ động đi khám sức khỏe tâm thần khi cảm thấy bị mất năng lượng, không còn hào hứng với công việc và các sở thích hằng ngày. "Thường những trường hợp này bị trầm cảm, lo âu được phát hiện ở mức độ vừa và nhẹ. Bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú và tư vấn tâm lý đều đặn một thời gian sẽ có hiệu quả tốt" - bác sĩ Yến thông tin.

Khác với đối tượng thanh niên, người lớn tuổi thường có xu hướng đi khám chữa bệnh muộn do chủ quan hoặc không thừa nhận mình có bệnh. Trong khi ở người trẻ việc này thường chủ động hơn - công khai chia sẻ tình trạng bệnh của mình cho bạn bè, người thân; trước khi tìm đến bác sĩ đã lên trên mạng tìm hiểu nhiều về tình trạng trầm cảm, lo âu, stress cũng như hậu quả có thể đang gặp phải.

Sóng ngầm ở giới trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe tâm thần, trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất sự quan tâm, thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung, mất đi hứng thú hoặc sở thích vốn có. Đặc biệt, bệnh nhân có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi và có ý định hoặc hành vi tự sát.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời hoặc sự thay đổi trong đời sống hằng ngày đã tác động mạnh đến đời sống cá nhân hoặc tinh thần của họ, thách thức sự thay đổi ở họ. Những đối tượng dễ mắc rối loạn trầm cảm có thể là người liên quan đến thai sản, sinh đẻ; người bị bệnh lý và tổn thương cơ thể; người lạm dụng rượu bia, chất kích thích. Đáng chú ý, rối loạn trầm cảm ở lứa tuổi học sinh, sinh viên có xu hướng tăng và là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát. Ý tưởng tự sát xuất hiện thấp ở trẻ dưới 12 tuổi, sau đó tăng nhanh ở giai đoạn 15 - 17 tuổi.

Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt như cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. Ở trẻ tỉ lệ có ý định và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy, trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý.

Theo Bộ Y tế, sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ai cũng có thể rối loạn ít nhất một lần trong đời. Tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp ở nước ta là 14,9% dân số (15 triệu người). Đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt, dân gian thường gọi là điên. Thực tế, tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu khoảng 6% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác. Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12% (hơn 3 triệu).

Giới chuyên môn cảnh báo stress nếu kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng giấc ngủ và làm trầm trọng hơn các bệnh lý huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư. Theo bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ - Viện Sức khỏe tâm thần, khoảng 50% bệnh nhân tới khám sức khỏe tâm thần có vấn đề rối loạn giấc ngủ. Khoảng 80% bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ liên quan căng thẳng, stress trong cuộc sống. Đáng chú ý, một tỉ lệ lớn bệnh nhân mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.

"Do đó, ngoài việc cần "vệ sinh" giấc ngủ bằng cách tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định, tránh xem tivi, điện thoại, không sử dụng chất kích thích…, người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi tình trạng mất ngủ xuất hiện ít nhất 3 ngày trong 1 tuần và tồn tại ít nhất 3 tháng. Rối loạn sức khỏe tâm thần cần được điều trị sớm như các bệnh khác. Nếu điều trị muộn, bệnh diễn biến nặng thì việc điều trị lâu hơn, tốn kém và có thể tái phát" - bác sĩ Huệ khuyên. 

Nhân rộng mô hình cấp cứu trầm cảm

Tại TP HCM, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành y tế đang triển khai một chuỗi hoạt động mang tính đồng bộ nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và chuyên môn hóa mạng lưới nhân viên y tế, người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần; tạo môi trường để người dân tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

Hiện nay, TP HCM đã hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ BV chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường. Mô hình "Cấp cứu trầm cảm" phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với BV Tâm thần thành phố kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa; nhiều bệnh nhân có ý định tự sát đã được chăm sóc, điều trị kịp thời. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, nhân viên y tế tại tuyến cơ sở tiếp tục được tập huấn xử trí các vấn đề cấp cứu tâm thần.

Ng.Thạnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo